UBND tỉnh Quảng Ninh vừa chính thức đồng ý công khai Hợp đồng dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái. Tổng chiều dài xây dựng tuyến là 80,2km, đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012.
Xem thêm:
Theo đó, dự án sẽ có tên là: Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT). Công trình do liên danh 3 đơn vị gồm: Công ty CP Mặt trời Vân Đồn; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Long Vân; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Công Thành góp vốn đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án mang tên Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn, tổng vốn đầu tư 11.119,625 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được triển khai trên diện tích 456,2ha thuộc địa bàn các huyện Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP. Móng Cái. Điểm đầu dự án tại Km70+108 (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn), điểm cuối tại Km150+339 (giao với đường tỉnh 335, trùng với điểm cuối dự án cầu Bắc Luân II, TP. Móng Cái). Tổng chiều dài xây dựng tuyến là 80,2km, đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012.
Tổng chiều dài xây dựng tuyến là 80,2km, với đường cao tốc 4 làn xe |
Theo phương án tài chính tại thời điểm đàm phán, thời gian kinh doanh, khai thác dự án là 18,56 năm. Thời gian thực tế sẽ được xác định từ thời điểm dự án hoàn thành, được quyết toán vốn đầu tư theo quy định của pháp luật và điều chỉnh theo quy định của hợp đồng dự án.
Tùy loại phương tiện, giá phí sử dụng dịch vụ sẽ dao động từ 1.500-6.000 đồng/km. Mức tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các năm tiếp theo (sau 3 năm đầu) là 18%/3 năm. Mức tăng này là tạm tính và sẽ được điều chỉnh theo quy định của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT và các văn bản khác có liên quan.
Hiện tại, liên danh nhà đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý, dự kiến trong năm 2018 sẽ khởi công dự án.
Để đảm bảo tốt nhất về mặt bằng cho quá trình triển khai dự án, ngay từ tháng 7/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 2787/QĐ-UBND phê duyệt dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Cụ thể, giao cho UBND huyện Vân Đồn, Đầm Hà, Tiên Yên, Hải Hà và TP. Móng Cái làm chủ đầu tư đối với công tác giải phóng mặt bằng theo phạm vi chiếm dụng của dự án trên địa bàn, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh làm chủ đầu tư công tác rà phá bom mìn, vật nổ.
Số liệu tổng hợp của các địa phương cho thấy, có khoảng 527ha diện tích đất sẽ thu hồi phục vụ dự án; có khoảng 1.681 hộ dân bị ảnh hưởng; 326 hộ phải tái định cư và 320 ngôi mộ phải di chuyển. Tổng chi phí giải phóng mặt bằng lên đến 1.400 tỷ đồng.
Nhằm chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng dự án, Sở Giao thông Vận tải đã bàn giao tuyến cho các địa phương Tiên Yên, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn. UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngoài việc góp phần phát triển giao thông, dự án còn mở rộng liên kết kinh tế vùng Quảng Ninh – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.